TP Thủ Đức quyết định giữ lại 12 tên phường sau sáp nhập và thay bằng tên chữ, là những địa danh vốn gắn bó với vùng đất này lâu nay, chứ không dự kiến đặt phối hợp giữa tên chữ và tên số như phường Thủ Đức 1, phường Thủ Đức 2...
Cụ thể sau sáp nhập, còn lại các tên phường mới: Hiệp Bình, Tam Bình, Thủ Đức, Linh Xuân, Long Bình, Tăng Nhơn Phú, Phước Long, Long Phước, Long Trường, An Khánh, Bình Trưng, Cát Lái. Đây là việc làm hợp lòng dân.
Nhân đây, tôi đề nghị nên sửa lại tên phường Cát Lái dự kiến bằng tên vốn nguyên gốc của nó đã bị đặt sai lâu nay là phường Các Lái.
Hiện nay, ở TP Thủ Đức (TP HCM) có các địa danh ngã ba Cát Lái, phường Cát Lái, bến phà Cát Lái nối phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) với xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP HCM) cũng có sông Cát Lái, rạch Cát Lái Lớn, rạch Cát Lái Bé.
Đây là nơi các lái buôn ghe bầu ngày xưa tụ tập buôn bán.
Các địa danh trên đúng ra phải viết là Các Lái. Địa danh Cát Lái được biết đến nhiều nhất vốn là tên một ấp của xã Thạnh Mỹ Lợi, huyện Thủ Đức cũ. Nó đồng thời cũng là tên bến phà, tên cảng, tên ngã ba hiện nay ở TP Thủ Đức.
Rạch Cát Lái Lớn, rạch Cát Lái Bé ở xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP HCM). Trên bản đồ Sài Gòn 1886 còn ghi địa danh "Vam Cac Lai", tức là vàm Các Lái, dấu vết của những lái buôn ghe bầu miền Trung vào đây.
Về vị trí địa lý, ta thấy nơi đây thuận tiện cho các ghe bầu vào từ hướng vịnh Đồng Tranh (bị viết nhầm là Baie de Dong Thanh), để đi tiếp vào Sài Gòn hay sang bên kia Gò Công của tỉnh Tiền Giang.
Địa danh vàm "Các Lái" ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ , TP HCM. Ảnh chụp lại: Nguyễn Thanh Lợi
Cách viết này đúng với nghĩa gốc của nó, chứ không phải bị viết/đọc chệch là "Cát Lái" như hiện nay, bởi phụ âm "c" hay "t" ở Nam Bộ thường phát âm khó phân biệt.
Bản đồ Environs de Saigon (1911, Các vùng phụ cận Sài Gòn) ghi địa danh "Xom Cat Lai" (xóm Cát Lái), lại là một nơi hoàn toàn khác, thuộc làng An Thạnh, tổng Hưng Thạnh, nằm gần sông Sài Gòn với bến phà gần đó.
Các lái là những người buôn bán bằng ghe bầu từ Nam Trung Bộ vào trong Nam. Vàm Các Lái, rạch Các Lái là nơi ghe bầu thường tụ tập mua bán.
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài Vè Lái vô và Vè Lái ra. Nếu đặt địa danh là phường Cát Lái mà không sửa lại đúng tên địa danh gốc thì nó vô nghĩa.
Đồng thời việc sửa sai địa danh này còn góp phần bảo tồn ý nghĩa, giá trị của một địa danh mang tính lịch sử, làm phong phú thêm di sản địa danh, ở một thành phố sông nước chi phối về nhiều mặt.
Nguyễn Thanh Lợi