Nước Mỹ đang chứng kiến cuộc đối đầu "tỷ USD", giữa một bên là Harvard, đại học lâu đời và giàu có với thương hiệu mạnh mẽ đến mức tên tuổi của nó đồng nghĩa với uy tín. Bên kia là Tổng thống Donald Trump với quyết tâm đi xa hơn bất kỳ chính quyền Mỹ nào khác nhằm định hình lại nền giáo dục đại học Mỹ.
Cả hai bên đều đang bước vào một cuộc đấu tranh cả về pháp lý lẫn tài chính, có thể thử thách giới hạn quyền lực của Tổng thống cũng như tính độc lập của các đại học Mỹ, điều từ lâu thu hút giới học thuật trên toàn thế giới đến với họ.
Hôm 14/4, Harvard trở thành đại học đầu tiên công khai thách thức chính quyền Trump khi bị yêu cầu thực thi loạt thay đổi sâu rộng nhằm hạn chế "hoạt động chính trị" tại trường, liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza và ủng hộ Palestine hồi năm ngoái.
Yêu cầu được đưa ra sau khi Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ tổ chức cuộc điều tra và cáo buộc Harvard "không đảm bảo an toàn cho sinh viên, giảng viên Do Thái" trong khuôn viên trường và đưa ra nhiều yêu cầu cải cách như ngăn sinh viên biểu tình, điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình "Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập" (DEI).
Đám đông tham gia cuộc biểu tình ở Massachusetts hôm 12/4 kêu gọi Đại học Harvard phản đối chính phủ can thiệp vào hoạt động của trường. Ảnh: Reuters
Với chính quyền Trump, Harvard là chướng ngại vật lớn đầu tiên trong nỗ lực thúc đẩy thay đổi tại các đại học mà đảng Cộng hòa cho rằng đã trở thành "nơi dung dưỡng chủ nghĩa tự do và bài Do Thái", giới chuyên gia đánh giá.
Các quan chức JTFCAS trong thư gửi Đại học Harvard tuần trước nhấn mạnh tiền tài trợ là một khoản đầu tư chứ không phải quyền lợi mặc định, đồng thời cáo buộc trường không đáp ứng các nghĩa vụ dân sự vốn là điều kiện để nhận ngân sách. Họ lập luận rằng Harvard đã để cho chính trị kìm hãm sáng tạo tri thức.
Coi các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine là biểu hiện của "chủ nghĩa bài Do Thái", chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Harvard áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn với người biểu tình và sàng lọc sinh viên quốc tế để tìm ra những người "đi ngược lại giá trị Mỹ".
Các yêu cầu khác ra lệnh cho Harvard hủy bỏ tất cả các chương trình DEI, đồng thời chấm dứt hoạt động tuyển sinh hoặc tuyển dụng có xem xét đến "chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay các yếu tố tương tự".
Trong thư phản hồi ngày 15/4, Chủ tịch Harvard Alan Garber từ chối thực hiện các yêu cầu này bởi chúng "vi phạm quyền theo Tu chính án thứ nhất của trường và các luật dân quyền khác". Trường coi đây là mối đe dọa không chỉ với các cơ sở giáo dục, mà còn đối với quyền tự chủ mà Tòa án Tối cao từ lâu đã trao cho các trường đại học Mỹ.
Garber nhấn mạnh các yêu cầu họ nhận được rõ ràng vượt quá thẩm quyền của chính phủ. Ông cho hay "không có chính phủ nào, dù bất kể đảng nào nắm quyền, có thể ra lệnh cho các trường đại học tư nhân dạy gì, họ nên tuyển dụng hay thuê ai cũng như lĩnh vực nghiên cứu nào họ nên theo đuổi".
"Trường sẽ không từ bỏ tính độc lập hay các quyền hiến định của mình", luật sư của Đại học Harvard viết trong thư gửi chính phủ hồi đầu tuần. "Cả Harvard cũng như bất kỳ trường đại học tư nhân nào khác đều không thể cho phép mình bị chính quyền liên bang tác động".
Để đáp trả, chính quyền Trump cho biết họ đã đóng băng hơn 2,2 tỷ USD tiền tài trợ và 60 triệu USD tiền hợp đồng của Harvard. Nhà Trắng coi ngân sách tài trợ cho các trường là công cụ để gây sức ép buộc họ thực hiện các thay đổi.
Không đại học nào có vị thế tốt hơn Harvard trong cuộc đối đầu với chính quyền Trump. Họ sở hữu quỹ hiến tặng lên tới 53 tỷ USD, lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, giống như các đại học lớn khác, Harvard cũng cần nguồn tài trợ liên bang để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và y tế. Không rõ họ có thể duy trì hoạt động này trong bao lâu nếu khoản tài trợ từ chính phủ tiếp tục bị đóng băng.
Dù vậy, cuộc đấu tranh của Harvard dường như đang khích lệ các đại học và tổ chức giáo dục khác, nổi bật trong số đó là Đại học Columbia.
Sau khi bị Bộ Giáo dục Mỹ gây sức ép bằng việc dừng khoản tài trợ 400 triệu USD, Đại học Columbia đã chấp nhận thực hiện các yêu cầu cải cách của chính quyền ông Trump. Trường này ban hành quy định cấm đeo khẩu trang trong khuôn viên, cho phép cảnh sát bắt sinh viên trong trường và tăng giám sát khoa Nghiên cứu Trung Đông, Nam Á và châu Phi cũng như Trung tâm Nghiên cứu Palestine.
Quyết định nhượng bộ này khiến Đại học Columbia đối mặt làn sóng phản đối từ các giảng viên cũng như các nhóm tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyền hiệu trưởng Claire Shipman đã thể hiện thái độ phản kháng hơn trong thông báo gửi đến toàn trường hôm 14/4, khẳng định một số yêu cầu của chính quyền "không phải thứ có thể đàm phán".
Trong tuyên bố, Shipman cho biết bà đã đọc thư từ chối của Đại học Harvard và "rất quan tâm" tới nó.
"Harvard rõ ràng là một tổ chức đặc biệt mạnh mẽ. Quyết định của trường có khả năng thúc đẩy các đại học khác thực hiện một số hành động phản kháng tập thể ", David Pozen, giáo sư luật tại Đại học Columbia, người cho rằng các yêu cầu của chính phủ là bất hợp pháp, nhận xét.
Tổng thống Trump hôm 15/4 đe dọa tiếp tục gây sức ép lên Đại học Harvard, cảnh báo có thể tước quyền miễn thuế của trường. Bộ An ninh Nội địa Mỹ thậm chí còn đe dọa sẽ tước giấy phép tuyển du học sinh quốc tế của Harvard.
Điều này đặt ra câu hỏi chính quyền có thể đi xa đến đâu trong việc tác động tới các cơ sở giáo dục như Harvard. Nhiều khả năng một cuộc chiến pháp lý sẽ nổ ra giữa Đại học Harvard và chính quyền Trump. Một nhóm giảng viên đã đệ đơn kiện thách thức những yêu cầu từ chính phủ và nhiều người trong giới học thuật kỳ vọng Harvard sẽ đệ đơn kiện riêng.
Đây là lần thứ 7 chính quyền Trump dùng ngân sách để gây sức ép với các đại học nằm trong top đầu quốc gia nhằm buộc họ phải tuân thủ chương trình nghị sự của ông. 6 trong 7 trường này đều thuộc Ivy League, nhóm 8 đại học tư nhân lâu đời và danh tiếng bậc nhất ở vùng Đông Bắc Mỹ.
Nhiều quan chức Nhà Trắng, những người đang khuếch đại các đòn công kích nhằm vào các tổ chức giáo dục ưu tú, cũng từng là sinh viên từ những ngôi trường như vậy. Tổng thống Trump tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, trong khi Phó tổng thống JD Vance lấy bằng luật từ Đại học Yale. Ít nhất hai thành viên nội các, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy, tốt nghiệp Đại học Harvard.
Một số người bảo thủ đã gợi ý rằng nếu Harvard muốn độc lập, họ nên noi gương các đại học từ bỏ nguồn tài trợ liên bang để thoát khỏi ảnh hưởng từ chính phủ.
Đây là kịch bản khá xa vời, nhưng Harvard có thể phải tìm cách khác để thoát khỏi việc bị cắt giảm tài trợ chính phủ. Harvard thường dành khoảng 5% quỹ hiến tặng để chi cho các hoạt động của trường hàng năm, chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách, theo các tài liệu nội bộ.
Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 17/4. Ảnh: AP
Harvard có thể rút nhiều hơn từ quỹ hiến tặng, nhưng các trường đại học thường cố gắng tránh sử dụng quá nhiều nguồn này để bảo vệ lợi nhuận đầu tư. Giống như các trường khác, Harvard bị hạn chế trong cách chi tiền từ quỹ này, phần lớn do các nhà tài trợ đã định rõ cách họ muốn đồng tiền của mình được sử dụng.
Chính phủ Mỹ chưa công khai khoản tài trợ và hợp đồng nào với Harvard sẽ bị đóng băng, nhưng nếu trường phải hoạt động với nguồn tài trợ liên bang ít ỏi trong thời gian dài, họ có khả năng phải cắt giảm chi tiêu.
"Tất cả các trường đại học cần lập kế hoạch cho tình huống này và suy nghĩ về cách họ có thể tồn tại một cách tinh gọn hơn trong những năm tới, nếu cần thiết", Pozen nói.
Trong số những người hoan nghênh quyết định của Harvard có cựu tổng thống Barack Obama, người gọi đây là hành động phản kháng lại "nỗ lực vụng về nhằm kìm hãm tự do học thuật" của chính phủ.
"Hy vọng các cơ sở khác cũng làm theo", ông viết trên mạng xã hội.
Nếu cuộc đối đầu giữa Harvard và chính quyền Trump được đưa ra tòa án, giới chuyên gia nhận định ngôi trường sẽ có vị thế tốt hơn. Ngay cả một số người bảo thủ cũng cho rằng việc chính phủ muốn tác động tới cách hoạt động của trường có thể là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận được quy định trong Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ.
"Chính phủ sẽ rất khó can thiệp vào bất cứ điều gì diễn ra ở các lớp học", Adam Kissel, chuyên gia giáo dục tại Quỹ Di sản, viện nghiên cứu bảo thủ có trụ sở ở Washington, cho hay. "Sẽ rất khó để chính phủ can thiệp vào những phát ngôn trên lớp học mà không vi phạm Tu chính án thứ nhất".
Nhưng một số người khác lại cho rằng ngay cả khi Nhà Trắng thất bại tại tòa, họ vẫn thành công trong mục tiêu chính là cắt giảm quy mô các đại học thuộc Ivy League và làm suy yếu ảnh hưởng của những ngôi trường này đối với người dân Mỹ.
"Tôi phải tự hỏi liệu động cơ ngầm ở đây có phải là làm suy yếu vị thế tối thượng mà các trường đại học ưu tú vẫn luôn nắm giữ trong tâm trí chúng ta hay không", Beth Akers, chuyên gia từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổ chức nghiên cứu bảo thủ ở Washington, bình luận.
Akers cho biết các cuộc thăm dò cho thấy niềm tin của người dân Mỹ đối với các đại học đã suy giảm trong vài năm qua. "Dường như chính quyền Tổng thống Trump cảm thấy thời điểm đã chín muồi để họ có thể xoay chuyển cảm tình của công chúng", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo FT, AP, AFP)